TRƯỚC LÂM CHUNG - NHỮNG ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ

Nam Mô A Di Đà Phật. Hôm nay Minh Thuận con xin đươc chia sẻ những thông tin cần biết về Pháp Hộ Niệm Lâm Chung, ban hộ niệm và những điều gia đình cần biết để trợ giúp người thân lúc lâm chung được giữ chánh niệm, khi xả bỏ hóa thân sẽ được nâng cao cảnh giới. 

Cư Sĩ Diệu Âm khai thị
Cư sĩ Diệu Âm khai thị lâm chung

Hộ niệm ( còn gọi là trợ niệm ) mục đích giúp đỡ những người chưa thuần thục niệm Phật khi lâm chung. Thời khắc lâm chung rất quan trọng và quyết định đến người lâm chung sau khi xả bỏ thân xác sẽ đi về cảnh giới nào. Nếu như người lâm chung hoảng loạn sợ hãi, hoặc sân hận, hoặc tham luyến tài sản người thân thì sẽ dễ bị đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu như người lâm chung thanh tịnh, không hoảng sợ, minh mẫn đặc biết nếu có thể lúc lâm chung mà nhớ nghĩ đến Phật thì dễ được sinh vào cảnh giới lành hoặc cõi Tây Phương Cực Lạc. Thì nhiệm vụ của hộ niệm và ban hộ niệm là nhắc nhở người lâm chung luôn giữ chánh niệm, an ủi người lâm chung không hoảng sợ, không sân hận, tham luyến để được về cảnh giới lành.

Xem thêm: Danh sách Ban Hộ Niệm trên toàn quốc

Nếu như người chuyên tu pháp môn niệm Phật từ lâu và có thể chia sẻ với gia đình từ trước thì mọi chuyện rất dễ dàng. Tuy nhiên không phải gia đình nào, hay người lâm chung nào cũng đủ duyên để tìm hiểu đủ sâu về pháp môn niệm Phật, mà đa số là các trường hợp bệnh viện trả về, hoặc người sắp lâm chung rồi mới tìm đến ban hộ niệm. Chính vì vậy nên con mới làm website này chia sẻ một cách đơn giản nhất để người nhà có thể hỗ trợ cho người lâm chung được cảnh giới cao nhất.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ đại nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà : "Khi con thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe danh hiệu con, hết lòng tin tưởng, nếu có điều lành nào, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh về cõi nước con, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, thề không thành Chánh giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.

Nhiệm vụ của ban hộ niệm là giúp cho người lâm chung hết lòng tin tưởng Phật A Di Đà, phát tâm hồi hường nguyện sanh về nước Cực Lạc thì sẽ được Phật cùng thánh chúng tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc sẽ không chịu khổ nạn luân hồi nơi Ta Bà này nữa. Nếu gia đình có thể tin tưởng làm theo những gì ban hộ niệm hướng dẫn để người lâm chung được Phật tiếp dẫn thì đó là Đại Báo Hiếu, cái hiếu nơi thế gian này dù lớn nhường nào cũng không thể so sánh.

Gia Đình có mất chi phí gì khi thỉnh Ban Hộ Niệm không?

Các ban hộ niệm ( Viết tắt BHN) đều làm Phật sự và hoàn toàn miễn phí gia đình không cần lo phải đền đáp trả ơn, đa số các BHN tự lo mọi chi phí đi lại, ăn uống và không để gia đình phải lo gì. Chỉ cần gia đình hết lòng tin tưởng lời hướng dẫn của BHN. Danh sách ban hộ niệm là riêng biệt phát tâm giúp đỡ người lâm chung. 

Do các BHN là riêng biệt nên một số quy định cũng có sự khác biệt nhỏ trong quá trình nhận hộ niệm, nên có thể BHN này nhận trường hợp của gia đình, nhưng BHN khác lại không nhận. Tuy nhiên về cách thức giúp đỡ người lâm chung để người lâm chung giữ chánh niệm về các nội dung cốt lõi thì thường cùng một nội dung. Các ban hộ niệm không có ở tất cả các tỉnh thành phố do vậy những gia đình mà ở địa phương chưa có BHN có thể liên hệ BHN ở các tỉnh thành khác. Các ban hộ niệm thường nhận ca rất rộng bán kính 100-200km, do vậy bạn  nếu bạn liên hệ BHN này không được thì bạn có thể liên hệ ban trợ niệm khác, việc người lâm chung mới là việc quan trọng nhất.

Những yêu cầu đối với người nhà người cần hộ niệm

Đối với mỗi ban hộ niệm khác nhau thì sẽ có yêu cầu khác nhau đối với gia đình người cần hộ niệm vãng sanh. Tuy nhiên về nguyên tắc cốt lõi có thể đưa ra một số yêu cầu như sau để người nhà tham khảo.

1. Gia đình cần thống nhất, người đại diện gia đình thỉnh mời ban hộ niệm.

2. Nếu thấy bệnh tình không qua được, phải mạnh dạng đưa về nhà để được trợ niệm kịp thời. Vì khi còn tỉnh táo, người được hộ niệm còn có thể tiếp nhận được lời khai thị của BHN dễ dàng. Khi đã mê, cơ hội vãng sanh sẽ khó hơn. 

3. Gia đình phải hiểu mục đích của Ban Hộ Niệm là không cầu an, không cầu chết mà là cầu vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Người được trợ niệm phải còn tỉnh táo, biết niệm câu phật hiệu: Nam mô A Di Đà Phật  hoặc A Di Đà Phật  và phát nguyện vãng sanh Cực Lạc.

4.  Gia đình phải cùng BHN sám hối, niệm Phật cho người thân của mình. Gia đình phải phát tâm làm công đức, bố thí, phóng sanh, hồi hướng công đức cho người thân của mình.

5. Gia đình cần ăn chay, không sát sanh trong suốt thời gian hộ niệm dù là sát hại những con vật nhỏ bé như ruồi, muỗi, kiến v.v...

6. Sau khi người lâm chung qua đời, Ban Hộ Niệm sẽ tiếp tục niệm ít nhất là 8-24 giờ vì vậy gia đình phải chú ý: Tuyệt đối: không có bất cứ hành động đụng chạm nào đến người lâm chung như: Sửa tay chân, thay quần áo, di chuyển, chích thuốc, rút ống ôxy (chỉ cần khoá ống lại khi đã tắt hơi thở) vv...Tuyệt đối giữ im lặng, không la khóc, không gây tiếng động ồn ào như: Nói chuyện, kéo ghế, ho, hắc xì, bàn tán chuyện trò v.v...Không điện thoại thông báo rộng rãi để mọi người đến gây ồn ào. Không tiếp khách, thăm hỏi khi đang hộ niệm, nhất là trong giờ phút lâm chung.

7. Gia đình đã mời ban Trợ niệm thì không được mời các thầy bùa, phù thủy ngoại đạo khác để tránh gây tạp loạn, ảnh hưởng đến chánh niệm của người hấp hối và làm mất sự tập trung của ban Trợ niệm. Tất cả mọi người trong gia đình phải tập trung niệm Phật giúp cho người thân sớm được vãng sanh về Cực Lạc, ít nhất là 20 tiếng đồng hồ ngay sau khi người thân qua đời. Sau đó, mới tính đến giờ tẩm liệm hay các việc hậu sự khác. Dù ngày qua đời là ngày trùng tang, tam tang hay bất cứ ngày kiêng cử nào thì cũng phải tiếp tục niệm Phật đủ 24 giờ sau khi người thân qua đời. Việc lo hậu sự cho người thân chỉ tiến hành sau khi việc hộ niệm kết thúc.

 8. Nếu có điều trở ngại trong lúc trợ niệm, gia đình nên trực tiếp gặp trưởng ban Trợ niệm để bàn bạc.

Thời điểm nào nên mời ban hộ niệm


Gia đình tốt nhất nên mời BHN càng sớm càng tốt. Không phải lúc bệnh nặng hoặc lúc lâm chung mới mời BHN, mà lúc người cần hộ niệm còn khỏe mạnh còn tinh tấn thì nên mời ban hộ niệm đến để trước là để chia sẻ những kiến thức của pháp môn, hướng dẫn tu tập, sau thì thường xuyên đến động viên xách tấn tinh thần người cần hộ niệm để tu tập tốt.

Sinh tử là điều đại sự nhưng chúng ta mấy ai hiểu được đó là đại sự, chỉ lo cơm áo gạo tiền chứ có mấy ai lo đến sinh tử đại sự, có mấy ai quan tâm đến việc tu tập để liễu thoát sinh tử luân hồi. Để rồi lúc lâm chung mê mê mờ mờ hồ đồ như cánh bèo trước cơn lũ, cơn lũ cuốn đi đâu thì đi theo đó. Do vậy nếu gia đình muốn thực sự muốn tu Đại Hiếu thì cần sớm liên hệ ban hộ niệm, động viên người nhà tu tập theo hướng dẫn của ban hộ niệm, đó mới thực sự là báo hiếu lớn lao nhất mà không vàng bạc châu báu nào có thể so sánh được.

Lợi ích không thể nghĩ bàn

Mời được ban hộ niệm đến trợ giúp cho người lâm chung thực sự lợi ích không thể nghĩ bàn được. Vô cùng lợi ích mà người chưa học Phật không thể hiểu nổi. Người lâm chung khổ đau vô cùng, thông thường ít người chịu tu tập Phật pháp nên khi lâm chung rất nhiều oán thân trái chủ đến đòi nợ đau khổ đánh đập dọa nạt. Do vậy mà hình tướng người lâm chung thường rất hoảng sợ, hoặc thường quay mặt vào vách hoặc chân tay quờ quạng hư không. Do các oan gia trái chủ đến hành hạ.

Lúc lâm chung cũng là lúc mà linh hồn thoát ra khỏi thể xác, cực kỳ đau đớn mà Phật ví như con rùa sống bị lột mai. Quý vị thử nghĩ xem con rùa sống mà bị lột mai thì đau đớn thế nào. Nhưng đâu có ai hiểu được điều đó. Chẳng ai hiểu được, con cháu thì khóc lóc lôi kéo việc đó không có lợi ích gì cả chỉ làm cho người lâm chung thêm đau đớn. Mà lúc này người lâm chung đau đớn vậy thì hậu quả sân hận mà đọa địa ngục. 

Thời điểm lâm chung vô cùng quan trọng vì nó quyết định việc cảnh giới của người lâm chung đi về cảnh giới nào. Nếu lúc này người lâm chung sân hận thì phần lớn sẽ đọa địa ngục. Nhưng cũng thời điểm này được những thiện tri thức của ban ộ niệm nhắc nhở niệm Phật cầu vãng sinh, thời điểm này nếu người lâm chung có thể niệm Phật cầu vãng sanh thì rất có thể sẽ được Phật tiếp dẫn. Nếu chưa đủ phước vãng sanh về Cực Lạc thì chí ít cũng dễ được sinh về cảnh giới trời người, sẽ hạn chế được bị đọa vào trong ác đạo. Việc lợi ích như vậy quý vị còn đợi chờ gì nữa mà không mời ban hộ niệm về trợ giúp cho người lâm chung.

Mời ban hộ niệm tại đây: Danh sách Ban Hộ Niệm trên toàn quốc

Những biểu hiện về cảnh giới tái sinh

Sau khi mạng chung, tùy theo nghiệp nhân đã gây tạo của mỗi người mà có biểu hiện lâm chung và tái sinh vào những cảnh giới khác nhau. Các cảnh giới ấy là gì? Biểu hiện khi lâm chung ra sao? Đó là những vấn đề quan yếu cần lưu tâm trong hành trang tu tập của mỗi người con Phật.

Nghiệp – nhân tố quyết định. Động lực dẫn dắt con người tái sinh trong ba cõi, sáu đường, theo đạo Phật, đó là nghiệp. Nghiệp là những hành động có tác ý. Bốn loại nghiệp sau đây chi phối sự tái sinh của con người:

- Cực trọng nghiệp là những nghiệp cực nặng như ngũ nghịch, thập ác…
- Tập quán nghiệp là những nghiệp thường tạo tác, trở thành thói quen.
- Tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời.
- Cận tử nghiệp là nghiệp biểu hiện ra lúc lâm chung.

Nếu không có cực trọng nghiệp hay tập quán nghiệp nào làm điều kiện cho sự tái sinh thì cận tử nghiệp hoặc tích lũy nghiệp sẽ dẫn dắt người ta đi thọ sinh.

1. Sinh vào Địa ngục:

Địa ngục là cảnh giới tăm tối, khổ đau nhất mà những ai thường mắc phải tội ác khi sống ở nhân gian như: 1, Sát sinh; 2 Trộm cắp; 3, Tà dâm; 4, Uống rượu (hay dùng các chất ma túy hại mình và hại người); 5, Nói dối lừa phỉnh người khác tùy mức độ nặng nhẹ mà bị đọa vào cảnh giới này. Nhưng đặc biệt là những người tạo các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác… lâm chung sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này ngay.

“Ngũ nghịch, thập ác” tạo tội cực nặng. Trong hết thảy kinh, đức Phật nói kẻ ấy ắt đọa địa ngục ngay trong một đời. Tội Ngũ nghịch (Pañcānantarya) là:

- Làm thân Phật chảy máu,
- Giết A la Hán,
- Giết cha,
- Giết mẹ,
- Phá hòa hợp tăng, phỉ báng chính pháp.

Người phạm năm tội này sẽ bị đọa vào địa ngục Vô Gián. Đây là địa ngục ở tầng thứ tám của địa ngục nóng. Vô Gián có 5 nghĩa:

- Sau khi chết, bị đọa ngày vào ngục đó, mà không có gián cách (không qua giai đoạn trung ấm thân),
- Chịu khổ không gián đoạn,
- Trong vòng một kiếp, tương tục , không gián đoạn (thời gian chịu khổ),
- Trong vòng một kiếp, thọ mạng không gián đoạn (chết đi sống lại liên tục),
- Thân hình đầy khắp địa ngục không xen hở (để thọ khổ),

Tội nhân bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã v.v... đau khổ vô cùng, mỗi ngày chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần mà kể. Thông thường nói kiếp là đại kiếp, 1 đại kiếp = 1 tỷ 344 triệu năm; 1 tiểu kiếp = 16 triệu 798 ngàn năm; 1 ngày ở địa ngục bằng mấy ngàn năm nhân gian. Các vòng sinh tử như sau: mãn kiếp địa ngục thì sinh vào loài ngạ quỷ. Mãn kiếp ngạ quỷ thì sinh vào loài súc sinh, mãn kiếp súc sinh lại sinh làm người hạ liệt.

Biểu hiện của người sắp đọa vào địa ngục như sau: Nhìn ngó thân quyến với ánh mắt giận dữ; nằm úp mặt hoặc che giấu mặt, thân hình và miệng mồm hôi hám; cơ thể co quắp, tay chân bên trái ấn xuống đất.

2. Sinh vào Ngạ quỷ

Ngạ quỷ là cảnh giới mà chúng sinh thường xuyên bị đói khát và sợ hãi. Loài này còn được gọi là quỷ đói. Như đã nói ở trên: Ngạ quỷ tức là loài quỷ đói, đầu to, bụng to nhưng cổ như cái kim, nên ăn gì cũng không xuống được dạ dầu nên lại nôn ra. Suốt ngày chỉ nghĩ đến và nước nên làm gì có chút thời gian thân tâm an tịnh mà nghĩ về tu hành Phật pháp thoát khổ?

Những ai hiện đời tạo các nghiệp ác cùng với tính tham lam, keo kiệt… sau khi chết sẽ đọa vào cảnh khổ này. Người lâm chung đọa vào ngạ quỷ có biểu hiện sau: Thân nóng như lửa; thường lo đói khát, hay nói đến việc ăn uống; không đại tiện nhưng tiểu tiện nhiều; đầu gối bên phải lạnh trước; tay bên phải nắm lại (biểu hiện lòng bỏn xẻn).

3. Sinh vào súc sinh

Súc sinh hay bàng sinh là các loại sinh vật có hình thù đa dạng, tâm thức tăm tối. Người nào hiện đời tạo các ác nghiệp cộng với tính si mê, ngu độn… sau khi chết đọa vào Súc sinh. Những biểu hiện tái sinh vào cảnh giới này như sau: Yêu mến vợ con, đắm đuối không bỏ; ngón tay và ngón chân đều co quắp; toàn thân toát mồ hôi; tiếng nói khò khè; miệng thường ngậm đồ ăn.

4. Sinh vào A tu la

A tu la còn gọi là Phi thiên, đây là hạng chúng sinh có hình tướng hung dữ, tâm luôn sân hận. Người nào hiện đời tuy có tu tập ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới này. Có thể nói A tu la là một dạng khác của ngạ quỷ.

Biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sinh về cảnh giới A tu La gần giống như chúng sinh sắp tái sinh về ngạ quỷ như là: Thân nóng như lửa; thường lo đói khát, hay nói đến việc ăn uống; không đại tiện nhưng tiểu tiện nhiều; đầu gối bên phải lạnh trước; tay bên phải nắm lại (biểu hiện lòng bỏn xẻn).

5. Sinh vào cõi Người

Cõi người là cảnh giới chúng ta đang sống, thọ hưởng hạnh phúc lẫn khổ đau. Loài người có đầy đủ những thuận duyên để tu học giáo pháp của đức Phật. Những ai hiện đời có niềm tin đối với Tam Bảo và thọ trì năm giới như sau:

- Không sát sinh;
- Không trộm cắp;
- Không tà dâm;
- Không uống rượu;
- Không nói dối.

Người này sau khi chết sẽ được tái sinh vào cõi người. Nếu được tái sinh làm người, lúc lâm chung có những biểu hiện sau: Khởi niệm lành, sinh lòng hòa dịu, ưa việc phước đức; sinh lòng chánh tín, thỉnh Tam Bảo đến đối diện quy y; thấy bà con trông nom sinh lòng vui mừng; tâm chánh trực không ưa dua nịnh; dặn dò giao phó các công việc cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.

6. Sinh vào cõi trời

Cõi trời tức sáu tầng trời của dục giới, chúng sinh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm, hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện. Người nào hiện đời tu thập thiện sau khi lâm chung được tái sinh về cõi trời.

Thập thiện là mười điều thiện như sau:

- Ba điều về Thân là: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không dâm dật;
- Bốn điều về khẩu tức là miệng: 4. Không nói dối; 5. Không nói lời thêu dệt; 6. Không nói lưỡi hai chiều; 7. Không nói lời độc ác.
- Ba điều về ý: 8, Không tham lam; 9, Không giận hờn, 10 không si mê, tà kiến.

Những người thực hành giữ mười điều thiện này thì khi lâm chung được sinh về cõi Trời sẽ có những biểu hiện sau: Phát khởi tâm lành; chánh niệm rõ ràng; đối với vợ con, tài sản lòng không lưu luyến; không có những sự hôi hám; ngửa mặt lên và nghĩ tưởng Thiên cung.

Trên đây là những biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới trong lục đạo. Tuy vậy, không phải mỗi trường hợp đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi khi chỉ biểu lộ những điểm thiết yếu. Mặt khác, có người khi chết không biểu hiện tướng lành dữ. Muốn dự đoán cảnh giới tái sinh của họ, phải dựa theo hơi nóng lưu lại trên thân mới có thể quyết đoán được.

Vãng sinh về Tịnh độ

Người nào hiện đời tu hành phát tâm tin sâu, nguyện thiết, chuyên trì Thánh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, phát tâm Bồ đề, làm nhiều việc công đức, sám hối làm lành, khi mạng chung thần thức sẽ được Phật và Thánh chúng hiện thân tiếp dẫn về Tịnh độ.

Mời ban hộ niệm tại đây: Danh sách Ban Hộ Niệm trên toàn quốc
Mới hơn Cũ hơn